Có nhiều loại thuốc thông qua sữa mẹ có thể gây ngộ độc cho đứa trẻ. Đã có nhiều trường hợp bệnh viện phải cứu chữa cho trẻ nhỏ, thậm chí có cháu mới 20 ngày tuổi đã bị ngộ độc thuốc có trong sữa mẹ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều loại thuốc làm hạn chế vi
Ngộ độc thuốc qua sữa mẹ
Nói chung, các loại thuốc có tác dụng toàn thân đều bài tiết qua sữa. Trường hợp trẻ bú mẹ bị ngộ độc thuốc qua sữa mẹ không phải hiếm gặp, nhưng có nhiều thuốc chưa đến mức gây nguy hiểm ngay nên người mẹ và gia đình không biết đến. Nhưng cũng có những thuốc người mẹ uống chuyển vào sữa đạt nồng độ khá cao có thể ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý bình thường của đứa trẻ bú mẹ. Hoặc bài tiết qua sữa tuy ít nhưng lại có tác dụng mạnh ở liều lượng nhỏ. Một số trường hợp cần chú ý:
Nếu người mẹ đang nuôi con bú mà dùng thuốc kháng sinh như tetracyclin dễ làm cho đứa trẻ bị hỏng men răng (vàng răng) và chậm lớn. Với các kháng sinh khác thuộc nhóm beta lactamin (penicillin, ampicillin, amoxicilin… và các cephalosporin) tuy ít thải qua sữa nhưng cũng không nên lạm dụng, vì chúng có thể gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột hoặc gây quá mẫn ở đứa trẻ.
Các iod và kali iodua (kalium iodatum) nếu người mẹ uống, được chuyển vào sữa với nồng độ cao vượt quá so với nồng độ trong máu nên gây ra nhiễm độc ở đứa trẻ (ức chế tuyến giáp trạng).
Một số thuốc người mẹ dùng liều thấp không gây ngộ độc nhưng lại có thể gây ức chế phản xạ bú ở đứa trẻ. Đó là các thuốc ngủ phenobarbital (biệt dược gardenal, luminal, adonal…), thuốc an thần meprobamat (biệt dược arcoban, biobamat…) nồng độ ở sữa mẹ có thể gấp 4 lần so với nồng độ ở máu nên dễ gây ra ngủ gà, ngủ gật ở đứa trẻ và bỏ bú.
Các thuốc kháng histamin loại gây buồn ngủ (các biệt dược trị cảm sổ mũi thường chứa các loại thuốc này) cũng có thể làm cho trẻ ngủ gật, bỏ bú.
Các thuốc ảnh hưởng đến việc tiết sữa
Có những loại thuốc lại ngăn cản sự tiết sữa. Đó là các estrogen, bromocriptin, các thuốc ngừa thai có chứa estrogen… chúng ức chế bài tiết sữa làm cạn nguồn sữa mẹ. Nếu là bé gái thì thuốc còn có thể làm thay đổi biểu mô âm đạo của trẻ, vú to ra, cốt hóa nhanh ở xương.
Thuốc cyproheptadin (biệt dược belindox, cypron, protadine…) ngoài tác dụng trị dị ứng còn có tác dụng kích thích sự thèm ăn, nhưng đồng thời nó cũng có đặc tính ức chế sự tiết sữa, người phụ nữ nuôi con bú không nên dùng.
Với pyridoxin (vitamin B6) dùng liều cao cũng gây mất sữa.
Ngoài ra còn một số thuốc khác, người mẹ nuôi con bú cũng cần phải lưu ý như đứa trẻ dễ bị ngạt mũi khi người mẹ dùng thuốc reserpin. Metronidazon (biệt dược atrivyl, flagyl, vagimid…) làm cho sữa mẹ có vị đắng, đứa trẻ không thích bú sữa. Nếu người mẹ dùng vitamin A và D liều cao có thể làm cho đứa trẻ bị ngộ độc. Với rượu bổ, người mẹ đang nuôi con bú cũng không nên uống…
Qua những dẫn liệu trên, người mẹ đang nuôi con bú không nên tự ý dùng bất kỳ một loại thuốc nào. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và có sự chỉ định của bác sĩ điều trị. Nếu vì chữa bệnh phải dùng thuốc, thầy thuốc sẽ cân nhắc: nếu thuốc không ảnh hưởng tới đứa trẻ bú mẹ thì cho dùng bình thường. Nếu thuốc có ảnh hưởng nhưng không nghiêm trọng thì có thể uống thuốc sau khi cho con bú hoặc trước khi cho bú 3 – 4 giờ. Hoặc nếu thuốc có nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho đứa trẻ thì phải tạm ngừng việc cho bú.
BS. Vũ Hướng Văn
Khoảng khắc cất tiếng khóc trào đời của em bé đầu tiên năm 2025 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Câu hỏi số 47: Tôi chuyển phôi ngày 28/7/2011 (lần 2). Sau chọc trứng 3 ngày tôi được chuyển 5 phôi, niêm mạc 19.