Nhân dịp Tết, Bộ trưởng - TS Nguyễn Quốc Triệu chia sẻ về những thành công cũng như thách thức trong lĩnh vực DS-KHHGĐ.
Trong năm qua, công tác y tế được đánh giá có nhiều thành công. Việc phòng chống dịch hiệu quả, các bệnh viện lớn tuyến cuối phần nào giảm tải, làm chủ được nhiều kỹ thuật cao so với các nước trong khu vực. Trong lĩnh vực DS-KHHGĐ đã giữ vững thành tích giảm sinh, bước đầu nâng cao chất lượng dân số góp phần nâng cao “Tầm vóc Việt”. Nhân dịp Tết Tân Mão, Bộ trưởng Bộ Y tế - TS Nguyễn Quốc Triệu đã dành thời gian chia sẻ về những thành công cũng như thách thức trong lĩnh vực DS-KHHGĐ.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trao bằng khen cho các bác sĩ nội trú đạt thành tích xuất sắc |
Thưa Bộ trưởng, công tác DS- KHHGĐ vừa được đưa trở lại ngành Y tế trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng. Xin Bộ trưởng nhận định khái quát những thành tựu của công tác này?
- Thành tựu thấy rõ nhất, nổi bật nhất, có ý nghĩa vững chắc, đáng mừng nhất chính là kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2009, dân số cả nước là 85,8 triệu (thấp hơn 1,2 triệu người so với ước tính theo năm). Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, trung bình mỗi cặp vợ chồng sinh 2,03 con. Tỉ lệ phát triển dân số bình quân trong 10 năm qua chỉ còn 1,2% (bằng 1/3 mức sinh và mức tăng dân số ở thời điểm năm 1960). Năm 2010, chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh đạt 0,3 phần nghìn, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 0,2 phần nghìn. Sự chuyển đổi tổ chức hệ thống quản lý ngành ít nhiều không tránh khỏi gây những khó khăn, xáo trộn. Tuy vậy, chúng ta đã kịp thời nỗ lực khắc phục, vượt qua. Đến nay, rất vui mừng là tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương đến cơ sở đã trở lại ổn định, tiếp tục được kiện toàn và củng cố. Năm 2010 công tác DS-KHHGĐ chuyển hướng tập trung nâng cao chất lượng dân số. Công việc này năm qua đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Sự chuyển hướng tập trung nâng cao chất lượng dân số, vừa là yêu cầu của công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn phát triển mới, vừa thể hiện công tác DS-KHHGĐ cũng chính là một hợp phần quan trọng chăm sóc sức khỏe người dân. Về chất lượng dân số, chúng ta tiếp tục triển khai đề án Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh để phát hiện sớm các tật, bệnh bẩm sinh tại 30 tỉnh và 3 Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh khu vực tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế. Tiếp tục triển khai đề án ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị các bệnh phình đại tràng bẩm sinh, xây dựng và triển khai các hoạt động can thiệp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia (bệnh thiếu máu bẩm sinh) tại cộng đồng. Duy trì, triển khai mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên tại 16 tỉnh và mô hình Kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân tại 12 tỉnh; Duy trì 5 tỉnh triển khai mô hình tư vấn - kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân tại 5 tỉnh đã triển khai năm 2009 và mở rộng thêm 5 tỉnh là Sơn La, Cao Bằng, Yên Bái, Tây Ninh và Bến Tre trong năm 2010. Tổng cục DS - KHHGĐ đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân để thống nhất thực hiện trên toàn quốc... Một kết quả đáng ghi nhận nữa là tính đến thời điểm hiện nay, sau hơn 10 năm triển khai, 1 tỉ sản phẩm phương tiện tránh thai đã được tiếp thị xã hội đến người dân. Điều này rất có ý nghĩa khi nhu cầu các phương tiện tránh thai ngày càng lớn. Trong khi đó, do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, các nguồn quốc tế viện trợ lần lượt bị cắt giảm. Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai đã góp phần giúp người dân làm quen với sản phẩm, tự nguyện chi trả như một dịch vụ cần thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn bộ Chương trình DS-KHHGĐ. Câu nói ”Đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhấn mạnh tới vai trò của các cộng tác viên DS-KHHGĐ trong công tác vận động, truyền thông. Xin Bộ trưởng có nhận xét, dánh giá những việc đã làm?
- Đúng là chương trình DS-KHHGĐ đạt nhiều kết quả như hiện nay một phần lớn nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động của hơn 160.000 cộng tác viên trên toàn quốc. Hoạt động truyền thông tiếp tục được duy trì, tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng, từng vùng miền khác nhau. Đặc biệt là các ”vụ mùa” truyền thông nhân kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7, Ngày Dân số Việt Nam 26/12 và hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về Dân số. Chúng ta đã chủ động phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện tăng cường truyền thông về DS-KHHGĐ 2010 với 9 bộ, ngành, đoàn thể ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Xây dựng, nhân bản và phân phối các loại tài liệu, sản phẩm truyền thông mẫu tuyên truyền về DS-KHHGĐ cho các bộ, ngành liên quan ở Trung ương, đồng thời sâu sát đến tỉnh, huyện, xã. Ngay từ đầu năm, 63/63 tỉnh, thành phố đã đưa nội dung DS-KHHGĐ vào các trường Chính trị - Hành chính tỉnh. Duy trì mô hình giáo dục tư vấn, giao lưu tìm hiểu về DS/KHHGĐ/SKSS cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Thưa Bộ trưởng, trong năm tới chúng ta cần tập trung vào những vấn đề gì nhằm nâng cao hơn nữa Tầm vóc Việt?
- Tầm vóc Việt chính là một hình ảnh thu gọn của mục tiêu Chất lượng Dân số. Tiếp tục tập trung sức nâng cao Chất lượng Dân số cũng chính là nâng cao Tầm vóc Việt. Theo đó, nhấn mạnh các vấn đề sau: Một là, toàn bộ hệ thống cán bộ làm công tác y tế - dân số, từ Trung ương tới địa phương làm tốt công tác tham mưu với các cấp uỷ đảng, chính quyền, tiếp tục giữ vững cam kết quán triệt quan điểm coi công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Hai là, tập trung mọi nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chiến lược DS/SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi, kết hợp việc cung cấp các dịch vụ, mô hình chăm sóc SKSS/KHHGĐ thuận tiện cho người dân, nhằm duy trì mức sinh thay thế, đồng thời thu hẹp khoảng cách mức sinh giữa các vùng, các nhóm dân cư; Ba là, tăng cường các giải pháp để kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; Bốn là, cần đẩy mạnh các hoạt động, mô hình đã và đang triển khai nhằm can thiệp nâng cao chất lượng dân số như: Tư vấn và kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở một số vùng dân tộc ít người... Nhân dịp năm mới, xin Bộ trưởng có đôi lời nhắn gửi anh chị em cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và độc giả của báo Gia đình & Xã hội?
- Với toàn thể anh chị em cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, lời nhắn gửi tha thiết là: Đổi mới toàn diện và triệt để hơn nữa. Đoàn kết, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa. Chung sức xây dựng nền Y tế Việt Nam ngang tầm thời đại. Tích cực hơn nữa phát triển lĩnh vực y cao. Đồng thời, chăm lo sao cho đông đảo người dân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo, được cùng hưởng thụ các dịch vụ y tế.
Riêng với bạn đọc báo và Tòa soạn Báo GĐ&XH, tôi mong đợi sự gắn kết hơn nữa công tác DS-KHHGĐ với cả hệ thống Y tế, thấu suốt từ Trung ương đến mỗi tỉnh, huyện, xã. Thực hiện tốt các chỉ tiêu DS-KHHGĐ, hòa quyện với mục tiêu chung của toàn ngành Y tế, nhằm nâng cao chất lượng dân số, nâng cao Tầm vóc Việt. Chung sức xây dựng tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Năm mới thắng lợi mới.
+ Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thăm hỏi bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa Thanh Trì - Hà Nội |
Vân Khánh thực hiện
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam