Giải mã việc có thai hàng chục tháng không đẻ

Trao đổi với VietNamNet, bác sỹ Lê Hoài Chương, PGĐ Bệnh viện Phụ sản TW khẳng định: “Không thể có chuyện mang bầu tới… 30 tháng!”.

 

Ảo giác có bầu vì… thèm con!

Câu chuyện “bà bầu ngậm thai” làm xôn xao nhiều làng quê ven biển Nam Định và trở thành 'màn sương mờ ảo' trong một thời gian dài. Tuy nhiên, dưới con mắt của các nhà khoa học và giới chuyên môn, hiện tượng nói trên “không thể có bầu đến 30-40 tháng, dù là xét trên khía cạnh khoa học hay thực tiễn!” – ông Lê HoàiChương, Phó GĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định.

 
Không thể có chuyện mang bầu quá thời hạn sinh học mà vẫn đẻ được con!

Kết quả siêu âm ổ bụng của “bà bầu” N.T.H, (xã N.H, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) – người hiện đang mang thai hai em bé một trai, một gái mà chúng tôi gặp, cho thấy: ổ bụng hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì khác lạ. Các cơ quan, bộ phận nội tạng trong ổ bụng cũng không có biểu hiện bất thường.

Đây không chỉ là “kết luận khoa học” duy nhất về hiện tượng “mang bầu giả” mà nhiều người “cuồng tín” và tin tưởng.  

Điều may mắn nhất (hay là không may mắn!?), đấy là kết quả siêu âm nói trên do chính bản thân bà H. tự đi chụp chiếu, xét nghiệm tại một cơ sở khám chữa bệnh có uy tín của địa phương, nơi bà H. ở. Đó là câu trả lời chính xác và sát thực nhất đối với những người đang kỳ vọng vào việc sẽ sinh được những “em bé” mà bấy lâu họ vẫn tin tưởng, bởi vì đó là người thật việc thật, và do chính người trong cuộc tự mình đi thực hiện.

Tuy nhiên, đã từng xảy ra những câu chuyện “bà bầu ngậm thai” trong một thời gian dài làm xôn xao dư luận. Thời điểm đầu năm 2010, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhắc đến câu chuyện của “bà bầu” Nguyễn Thị B. (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đi cầu con về và đang…mang thai gần 14 tháng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM đã phân tích, đó chỉ là trường hợp mang thai giả.

“Trong quá trình khám, chữa bệnh của mình, tôi đã từng gặp nhiều trường hợp tương tự. Nhiều cô gái cũng tưởng mình có thai vì các triệu chứng nghén, mất kinh 5, 6 tháng, bụng to lên, ngực căng, thậm chí tiết sữa…

Tuy nhiên, sau kiểm tra tôi khẳng định họ không hề có thai mà chỉ là mang thai “giả”. Hiện tượng mang thai “giả” từ lâu đã được nhắc đến trong nhiều cuốn sách y học và chắc chắn là có thật. Như vậy, câu chuyện về các bà bầu chửa 15, 16 thậm chí 20 tháng chưa đẻ do đi cầu con hoàn toàn dễ hiểu”, bác sĩ Phượng nói. 
 

Câu chuyện của bà H. chỉ là một trong nhiều trường hợp khác ở Nam Định.

Bác sỹ này giải thích: “Chuyện có thai giả hay xảy ra do yếu tố tâm lý. Trên não bộ của con người có sự kết nối từ yếu tố thần kinh đến yếu tố nội tiết. Khi người phụ nữ mong muốn có con quá mức, kèm theo việc đi cầu nguyện khiến cho niềm tin tưởng càng được củng cố sẽ tạo ra phản ứng dây truyền từ thần kinh qua nội tiết của cơ thể.

Khi đó, chất nội tiết mới sinh ra có thể làm cho thành bụng dày lên, khiến bụng to. Còn chuyện đêm thấy con đạp cũng không có gì là không giải thích được. Trong bụng không chỉ có tử cung mà còn có các bộ phận khác như ruột…. Bản thân ruột có nhu động và di động nên tạo ra co bóp. Trường hợp chị Nguyễn Thị Chiến (25 tuổi ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) chưa sinh con dù đã mang thai tới 21 tháng cũng là câu chuyện tương tự. Tuy nhiên, những trường hợp này đã được khoa học giải thích".

Tích nước để có bầu?!

Tiến sỹ Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định: “Không thể có bầu đến 30-40 tháng, dù là xét trên khía cạnh khoa học hay thực tiễn”.

Theo ông Chương, một người có thai thực sự và thai phát triển bình thường thì sẽ sinh ở thời điểm tuổi thai dao động quanh mốc 40 tuần.

Nếu đến 42 tuần mà chưa sinh thì có thể thai đã bị suy và chết lưu, vì thế không thể có chuyện một người có bầu thật lại có thể “đeo bụng” suốt 30-40 tháng.

Trước đây, trong TP.HCM đã có trường hợp bụng to như có bầu nhưng đó là chuyện có thai giả do dùng thuốc tích nước.

 
Theo cách lý giải của TS Lê Hoài Chương, chưa từng có trường hợp nào mang thai tới vài chục tháng mà vẫn sinh nở được! (ảnh minh họa).

Trên thực tế, có những trường hợp cho biết mình bị “chửa trâu” khi thời gian mang bầu lên tới 11-12 tháng. Tuy nhiên, ông Chương khẳng định chuyện này cũng không thể xảy ra, nếu có chỉ là do người phụ nữ không nhớ chính xác chu kỳ kinh nguyệt nên không tính được thời gian mang thai của mình.

Liên quan đến việc những người phụ nữ bụng to suốt 30-40 tháng và vẫn nghĩ mình có bầu 100%, ông Chương nói có thể họ bị mắc chứng... tự kỷ khiến họ cứ nghĩ rằng mình đang có thai thật.

Tiến sỹ Chương khẳng định: với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản TƯ tới nay, ông chưa từng gặp trường hợp nào mang thai già ngày đến vậy, vì cả trên lý thuyết lẫn thực tế, người phụ nữ mang thai đủ tháng là hết tuần 37 đến tuần thứ 42. Nếu hết tuần 42 mà không sinh thì gọi là già tháng và khi đã già tháng sẽ được theo dõi chặt để lấy thai ra.

“Không thai nào sống sót qua tuần 44 - 45 trong bụng mẹ, huống hồ là thai vài chục tháng. Điều này hoàn toàn được chứng minh bằng khoa học và thực tế. Khi thai đã già ngày, các chỉ số cho thấy thai đã trưởng thành mà thai phụ không có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ phải mổ để lấy thai nhi ra.

Vì nếu không chỉ số nước ối sẽ ít đi, bánh rau thì già cỗi khiến việc trao đổi máu giữa mẹ - thai không như bình thường nữa, dinh dưỡng nuôi thai không đảm bảo dần dẫn đến suy thai, chết thai. Vì thế, thai 42 tuần mà không lấy ra thì khả năng chết do suy thai là khá cao” - TS Chương nói.

Kiên Trung – Cẩm Quyên

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Tổ chức khóa đào tạo "Kỹ thuật chuyển phôi trong IVF"

Ngày 11/12/2024, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức khóa đào tạo "Kỹ thuật chuyển phôi trong IVF" sử dụng phương pháp thực hành mô phỏng thực tế ảo hiện đại nhất trên thế giới.