GiadinhNet - Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTTD) có thể lây từ mẹ sang con ngay khi trẻ còn đang phát triển trong tử cung hoặc trong lúc sinh, đôi khi sau sinh.
Nếu trẻ có biểu hiện nhiễm một bệnh LTTD nào đó thì cả bố mẹ cần phải được khám, làm các xét nghiệm xác định bệnh để có phương án điều trị…
Bệnh lậu
Bệnh do vi khuẩn xuất hiện trong tế bào. Phụ nữ thường không có triệu chứng gì nhưng cũng có thể có tiết dịch niệu đạo, tiểu khó, chảy máu giữa kỳ kinh, ra kinh nhiều, viêm cổ tử cung có tiết dịch mủ, viêm tiểu khung. Nếu mẹ bị bệnh lậu mà không được điều trị rất có thể sẽ truyền bệnh cho em bé, đặc biệt là các bệnh về mắt. Bệnh thường xảy ra ngay tháng đầu tiên, nhất là tuần đầu tiên sau sinh. Hai mắt trẻ dính không mở được, mắt sưng húp. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến mù loà vì gây loét và tạo thành sẹo giác mạc.
Nên khám định kỳ trong thời gian mang thai để cho ra đời những em bé khỏe mạnh. Ảnh: T.L |
Phụ nữ bị bệnh lậu có thể có biến chứng chửa ngoài tử cung, đau tiểu khung mạn tính, co hẹp niệu đạo... Vô sinh là một biến chứng ở cả nam và nữ nếu để bệnh quá nặng. Ngoài ra, nếu mắc bệnh này, phụ nữ còn có thể sảy thai, đẻ non, viêm màng nhau cấp. Hiện nay, hầu hết trẻ sơ sinh đều được nhỏ dung dịch nitrat bạc để phòng ngừa nhiễm lậu cầu khuẩn.
Bệnh chlamydia
Bệnh do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra. 60-70% phụ nữ không có triệu chứng cụ thể nhưng có thể có tiểu khó, đau tiểu khung, dễ chảy máu ở vùng kín. Bệnh lậu và chlamydia thường xảy ra đồng thời.
Vì các triệu chứng bộc lộ ra ngoài nhẹ nên bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng hơn bệnh lậu do người bệnh thường chủ quan, không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm hoặc điều trị muộn. Bệnh chlamydia cũng thường lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh, gây viêm mắt sơ sinh, viêm phổi, viêm ống tai. Viêm mắt sơ sinh thường xảy ra khoảng 2 tuần sau sinh nhưng may mắn là ít khi dẫn đến mù loà. Tuy nhiên, nếu như bệnh chlamydia không được điều trị sẽ trở thành mạn tính, dễ tái phát, có thể để lại sẹo ở giác mạc.
Bệnh giang mai
Do xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum gây ra.
Với giang mai nguyên phát: Có một (hay hơn một) vết loét không gây đau, đường kính 1-2 cm, ở trong vùng kín phụ nữ, có thể không nhận thấy.
Với giang mai thứ phát: Người bệnh thấy xuất hiện vết ban đỏ ở lòng bàn tay và gan bàn chân, cả ở thân mình, kèm theo cảm giác khó chịu, đau họng, sốt nhẹ, đau cơ.
Xoắn khuẩn giang mai có thể đi qua nhau thai ở bất cứ giai đoạn nào của kỳ thai nghén và có thể ngấm vào máu của thai nhi. Thai có phản ứng với nhiễm khuẩn giang mai khi đã được 4-5 tháng, có thể bị sảy, chết hay đẻ non. Thông thường, phụ nữ không biết đã bị lây nhiễm vi khuẩn giang mai. Vì vậy, mọi phụ nữ có thai cần được làm các xét nghiệm để phát hiện bệnh.
Nhiễm giang mai gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho thai. Nếu phụ nữ bị giang mai trong khi có thai, lại không được điều trị thì chắc chắn em bé sinh ra sẽ có bất thường. Tỷ lệ trẻ sinh ra chết hoặc đẻ non cũng rất cao...
Những bất thường do giang mai gây ra cho thai rất nghiêm trọng. Trẻ sinh ra cần được thầy thuốc theo dõi và chăm sóc. Nhiều trường hợp trẻ đã bị nhiễm bệnh nhưng không có dấu hiệu cụ thể. Đến khi lớn lên mới thấy răng và xương có dấu hiệu khác thường. Nếu phụ nữ được điều trị sớm khi mang thai (trước 16 tuần) có thể hạn chế sự phát triển các biến chứng ở thai và trẻ có thể sinh ra bình thường.
Bệnh mụn rộp
Do virus gây ra với triệu chứng là những phỏng nước đau ở da hay niêm mạc hoặc mụn rộp vùng mặt, miệng. Những bọng nước này thường phát triển ở môi dưới hay ở mép, ngứa, đau nên còn gọi là chốc mép.
Có đến 80% trường hợp bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên càng khiến việc lây truyền rất dễ xảy ra. Mụn rộp cũng rất hay phối hợp với sự lây nhiễm HIV nếu xuất hiện nở vùng sinh dục.
Nếu mẹ bị bệnh mụn rộp lần đầu khi mang thai ở 3 tháng đầu thì dễ bị sẩy thai nhất. Nếu bị nhiễm vào 3 tháng giữa thì nhiều khả năng sẽ sinh ra sớm hơn bình thường. Nếu mẹ bị mụn rộp sinh dục trong 3 tháng cuối thì nguy cơ thai bị nhiễm virus khi đẻ là lớn nhất, đặc biệt khi người mẹ lại không biết mình có bệnh.
BS Đào Xuân Dũng
Kính gửi: Các nhà cung cấp dịch vụ tang lễ tại Việt Nam