15 phút, chữa dứt điểm bệnh “khó nói” ở phụ nữ

PNTĐ-Són tiểu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Dù không nguy hiểm tới sức khỏe nhưng bệnh sẽ ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống nếu không được điều trị dứt điểm.

BS Nguyễn Hòa - Giám đốc Trung tâm Sàn chậu, bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, són tiểu là tình trạng nước tiểu rỉ qua đường niệu đạo, xảy ra ngoài lần tiểu tiện. Thống kê cho thấy, khoảng 20% phụ nữ mắc chứng bệnh này. Trong đó, đối tượng thường gặp nhất là phụ nữ sau sinh nở; người trong độ tuổi mãn kinh, tiền mãn kinh; người già ngoài 70 tuổi. Ở phụ nữ trẻ dưới 25 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh không nhiều, khoảng dưới 5%. 

ThS.BS Nguyễn Hòa thăm khám cho bệnh nhân

Theo BS Hòa, són tiểu được chia làm 3 loại. 

Thứ nhất là són tiểu gắng sức (chiếm 80-90% các trường hợp són tiểu) là do nhão yếu các cơ nâng đỡ tầng sinh môn gây ra tình trạng niệu đạo di động quá mức khi gắng sức hoặc do suy yếu cơ thắt niệu đạo. Theo đó, dù không “mót” nhưng khi làm những hoạt động có tính gắng sức như: cười, ho, chơi thể thao, leo cầu thang, chạy nhảy… người bệnh cũng gặp phải tình trạng són tiểu.

Ở mức độ nặng, són tiểu xảy ra cả khi đi vệ sinh bình thường, thay đổi tư thế. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng này là do chấn thương sản khoa, phụ khoa như: phụ nữ sinh khó phải phẫu thuật phụ khoa ở tầng sinh môn, trực tràng; rối loạn, thiếu hụt hormone estrogen ở nữ giới gây ra tổ chức collagen ở  niệu đạo yếu; hậu quả kéo dài của một số bệnh như táo bón, ho mãn tính, mang vác nhiều; bàng quang lộ ra ngoài…

Thứ hai là són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính (tiểu gấp). Loại són tiểu này đặc hiệu với sự tăng áp lực hoặc co bóp bất thường cơ bàng quang ngay cả khi chỉ có ít nước tiểu. Sự co bóp bất thường này gây ra cảm giác buồn tiểu gấp, đôi khi kèm theo đau vùng bàng quang dẫn đến són tiểu, cho dù cơ nâng đỡ tầng sinh môn và van niệu đạo vẫn bình thường.

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có thể do viêm bàng quang bởi tia xạ, hóa chất; có khối u bàng quang, sỏi bàng quang hoặc do thần kinh bàng quang bị kích thích; hoặc do bệnh nhân có bệnh lý thần kinh ở bàng quang, hẹp niệu đạo hoặc niệu đạo bị ép ở bên ngoài. Một vài bệnh lý thần kinh như xơ hóa thành đám, bệnh lý thần kinh trong đái tháo đường, tai biến mạch não có thể gây tiểu gấp. 

Thứ ba là són tiểu hỗn hợp, kết hợp biểu hiện của cả 2 loại trên. 

Hiện nay, trên thế giới áp dụng nhiều phương pháp trị són tiểu, tuy nhiên, BS Nguyễn Hòa thông tin, TOT (Trans Obturateur Tape) - phẫu thuật đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt là giải pháp phổ biến, đem lại hiệu quả cao nhất. Theo đó, bác sĩ chỉ cần rạch một đường nhỏ (0,5cm) ở thành trước âm đạo, sau đó luồn dải băng tổng hợp đỡ phần sau niệu đạo, dưới cổ bàng quang nhằm tạo ra một vùng đệm chắc chắn thay thế cho phần cơ đã nhão, yếu.

Khi người bệnh có hoạt động gắng sức, áp lực ổ bụng tăng lên sẽ ép niệu đạo vào vùng này, làm bịt tắc lòng niệu đạo, giúp chặn lại dòng tiểu són ra. Tấm lưới này có tính tương thích cao với cơ thể; nhanh chóng được mô hóa, trở thành một phần của cơ thể và bệnh nhân không hề thấy vướng, khó chịu.

Đây là một phẫu thuật ngắn, chỉ kéo dài trong khoảng 15-20 phút; thời gian nằm viện 24 giờ. Ngay sau khi ra viện, bệnh nhân có thể sinh hoạt, làm việc bình thường. Để đảm bảo phẫu thuật đặt dải băng tổng hợp đạt hiệu quả cao nhất, trong 2 tuần đầu bệnh nhân không nên tham gia những hoạt động thể lực nặng hoặc chơi thể thao; kiêng sinh hoạt vợ chồng trong 1 tháng sau mổ.

Phương pháp này có thể áp dụng với phụ nữ mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ sau sinh, thời điểm giai đoạn hậu sản kết thúc, tình trạng són tiểu cũng không còn. Bởi vậy, sản phụ nên theo dõi kỹ lưỡng, chỉ nên đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo hoặc các phương pháp điều trị són tiểu khác khi chắc chắn nguyên nhân gây bệnh.

 

Yên Hưng