Đề xuất tiêm phòng rubella cho tất cả phụ nữ ở tuổi sinh nở

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương mới trình Bộ Y tế xem xét kế hoạch phòng chống dịch rubella tại Việt Nam, trong đó sẽ đưa văcxin rubella vào tiêm chủng cho toàn bộ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi).

Cho tới nay, rubella vẫn chưa nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vì bệnh không lưu hành phổ biến. Cũng vì thế hầu hết người dân chưa có kháng thể với bệnh này. Tuy nhiên năm nay bệnh bùng phát thành dịch, kéo dài suốt từ đầu năm đến nay, số lượng người mắc lớn, hàng loạt phụ nữ mang thai mắc, trong đó khá nhiều ca phải nạo phá thai.

Nếu thai phụ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thì khả năng trẻ chào đời nhiễm Hội chứng rubella bẩm sinh (với các dị tật như: mù, điếc, chậm phát triển, tim bẩm sinh…) lên đến 90%.

Cũng chính vì thế, Bộ Y tế đã tính đến phương án tiêm phòng văcxin này cho tất cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng với các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khảo sát tại một số cơ sở y tế sản và nhi ở các thành phố như Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc...

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: "Theo báo cáo chưa đầy đủ, tổng số ca mắc rubella có tăng so với số mắc trung bình 5 năm vừa qua. Tại một số bệnh viện nhi, số trẻ bị nhiễm Hội chứng rubella bẩm sinh cũng có xu hướng tăng hơn so với mọi năm".

Ảnh:
Sau nhiều năm chỉ phát hiện những ca mắc lẻ tẻ, năm nay rubella đã bùng phát thành dịch tại nhiều địa phương. Ảnh: Nam Phương.

Vì thế, với sự hỗ trợ của WHO, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch rubella tại Việt Nam và trình Bộ Y tế xem xét, trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Theo khuyến cáo của WHO, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ là nhóm được ưu tiên tiêm phòng số một, sau đó là tất cả trẻ (1-14 tuổi). Ngoài ra, cũng cần tiêm văcxin cho mọi trẻ sơ sinh (lúc 12 tháng tuổi) nhằm hạn chế nguồn truyền nhiễm và tiến tới loại trừ bệnh rubella.

"Khi cả quần thể đều được tiêm phòng văcxin, chắc chắn sẽ giảm được tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm rubella và đặc biệt sẽ giảm được số trẻ nhiễm hội chứng rubella bẩm sinh", tiến sĩ Hiển nói.

Đồng thời, Viện cũng đang lập kế hoạch triển khai Chương trình giám sát dịch rubella và hội chứng rubella bẩm sinh tại một số tỉnh trọng điểm.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng thừa nhận, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là tìm nguồn kinh phí, chỉ riêng kinh phí để tiêm phòng cho số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng đã mất khoảng 300 tỷ mỗi năm.

Vì thế, Viện đã tính đến khả năng tự túc sản xuất văcxin phối hợp sởi-rubella tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng đã đề xuất phương án xã hội hóa việc tiêm phòng (ví dụ doanh nghiệp, cơ quan hay người dân đóng góp một phần kinh phí cho việc tiêm văcxin).

Trong trường hợp chưa có đủ kinh phí để tiêm cho cả 3 nhóm đối tượng thì dự kiến sẽ tiêm phòng cho những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại những thành phố lớn, có số ca mắc cao như: Hà Nội, TP HCM...

Nam Phương