Bộ Y tế Campuchia công bố dịch cúm A(H5N1) tái bùng phát ở tỉnh Prây Veng, giáp biên giới tỉnh Đồng Tháp.
Ngay sau khi nam bệnh nhân nhiễm cúm A(H5N1) bị tử vong, Bộ Y tế Campuchia đã chính thức công bố dịch cúm A(H5N1) tái bùng phát ở tỉnh Prây Veng, giáp biên giới tỉnh Đồng Tháp. Các biện pháp phòng ngừa được nhanh chóng triển khai, hướng dẫn người dân thực hiện. Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng là điều khó tránh khỏi bởi người dân nơi đây thiếu hiểu biết về tác hại của cúm A(H5N1) và chưa có ý thức phòng ngừa.
Tại xã BontiachakCray, giáp biên giới, đối diện cửa khẩu Dinh Bà (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) người dân vẫn vô tư "chung sống" với gia cầm. Gà, vịt nuôi nhốt ngay trong sân, chuồng trại làm cặp vách nhà khiến môi trường ô uế nặng nề. Không khí như đặc quánh lại vì mùi hôi thối của phân gà, vịt lan tỏa khắp lối đi. Nước sinh hoạt nơi đây rất khan hiếm nên vệ sinh môi trường sống khó được đảm bảo.
Tương tự, tại xã KaohRoKa, đối diện cửa khẩu Thường Phước (huyện Tân Hồng), người dân vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm từ cúm A(H5N1). Mọi người vẫn không tin trường hợp bệnh nhân tử vong ở huyện Kompong Leav, tỉnh Prây Veng là do cúm A(H5N1) gây nên. "Chăn nuôi cực khổ lắm, lại sợ bị mất trộm nên phải làm chuồng cạnh vách nhà. Làm gì thì làm, chúng tôi không để ai bắt giết gà vịt của mình đâu. Gà tôi nuôi trong nhà từ nhỏ có bệnh hoạn gì đâu mà thiêu hủy", một người dân ở xã KaohRoKa nói như vậy.
Đáng lưu ý, trong khi cúm A(H5N1) đang đe dọa vùng biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp thì nhiều người dân VN nuôi vịt chạy đồng vẫn vô tư lùa đàn vịt sang các cánh đồng của Campuchia kiếm mồi. Tình trạng này dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh trên đàn vịt, đe dọa tính mạng con người và khi trở về nội địa sẽ phát tán ra cộng đồng mà không thể kiểm soát.
Một cán bộ ở cửa khẩu Thường Phước cho biết: Tuyến biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp có 37 km chạy dài tiếp giáp với Campuchia với nhiều cánh đồng rộng lớn. Lợi dụng địa thế này, nhiều người nuôi vịt đàn trên đồng nội địa đưa đến sát đường biên rồi lùa sang nước bạn. Sáng lùa vịt qua các cánh đồng ở Campuchia kiếm ăn, chiều họ lại lùa vịt về, trong khi lực lượng làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu thì mỏng, không kiểm soát được. "Hầu hết họ đi qua các cánh gà, chứ tại cửa khẩu thì kiên quyết không để gia cầm không rõ nguồn gốc được qua", vị này nói.