Sàng lọc thính lực sau sinh: Biện pháp bảo vệ sức nghe cho trẻ

Việc sàng lọc thính lực sau sinh vô cùng quan trọng, giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trong trường hợp bé có bất thường. Đây là biện pháp vô cùng hữu hiệu để bảo vệ sức nghe cho trẻ, BS Lê Thị Lan - viện Tai Mũi Họng TƯ cho biết.

Trao đổi với Dân Trí về vấn đề này, BS Lê Thị Lan - Trưởng khoa Thính học & Phục hồi chức năng, viện Tai Mũi Họng TƯ cho biết: “Nếu như trước đây chỉ có các cháu nằm trong nhóm nguy cơ cao mới được sàng lọc thính lực sau sinh thì nay, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã áp dụng chương trình sàng lọc đối với tất cả các bé. Việc này vô cùng quan trọng, giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trong trường hợp bé có bất thường. Đây là biện pháp vô cùng hữu hiệu để bảo vệ sức nghe cho bé. Theo tôi, tất cả các bệnh viện phụ sản nên áp dụng chương trình này càng sớm, càng tốt nhất”.


BS viện Phụ sản Hà Nội đang kiểm tra thính lực cho em bé này trước khi xuất viện (ảnh: T.H)

Bày tỏ quan điểm của mình, TS. BS Nguyễn Công Nghĩa, bệnh viện Phụ sản Hà Nội - đơn vị tiên phong áp dụng chương trình này cho hay: “So với trẻ có thính lực bình thường, các trẻ giảm hoặc mất thính lực có nhiều khó khăn trong giao tiếp, cả bằng lời và ngôn ngữ cử chỉ, gia tăng các rối loạn hành vi, gặp nhiều khó khăn trong giáo dục. Việc phát hiện và điều trị sớm mang lại những lợi ích rất thiết thực cho trẻ và gia đình. Thêm vào đó, một nửa số trẻ giảm hoặc mất thích lực không có các yếu tố nguy cơ sẵn có, chúng tôi quyết định thực hiện sàng lọc thính lực trên toàn bộ trẻ sơ sinh tại bệnh viện thay vì chỉ thực hiện trên nhóm có nguy cơ cao.

Mất thính lực (giảm khả năng nghe hoặc điếc) là một trong những rối loạn thường gặp nhất so với các rối loạn khác đang được sàng lọc rộng rãi như thiếu máu hồng cầu liềm, thiếu men G6PD, phenylketonuria hay suy giáp trạng bẩm sinh. Mất thính lực có thể gặp với tỷ lệ từ 3-4 trên 1.000 trẻ sơ sinh, cao nhấtcó thểlà 1-2 trên 100 trẻ”.

Cũng theo TS. Nghĩa, những trẻ được phát hiện muộn (từ 2-3 tuổi) có thể phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn, không thể sửa chữa được về khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các trẻ bình thường.Nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, những trẻ này hoàn toàn có khả năng hồi phục.

Nói về quy trình sàng lọc, TS. Nghĩa cho biết thêm, trước khi ra viện về nhà, bác sĩ hoặc y tá sẽ sửdụng thiết bị kiểm tra. Nếu trẻ vượt qua được thử nghiệm ngay lần đầu, có nghĩa là khả năng thính lực của trẻ là bình thường. Nếu không vượt qua, thử nghiệm sẽ được làm lại sau một tháng và có thể sẽ được khuyến cáo chuyển tới bác sĩ chuyên khoa thính lực làm các thăm dò sâu hơn. Chương trình sàng lọc mất thính lực cho trẻ sơ sinh được áp dụng đối với tất cả các bé tại viện Phụ sản Hà Nội từ tháng 11/2010, với chi phí hợp lý, thời gian đo chỉ từ 5-7 phút, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.  

Một số trẻ có nguy cơ mất thính lực cao hơn những trẻ khác, bao gồm:

- Những bà mẹ mắc một số bệnh lý khi mang thai: nhiễm cytomegalovirus, rubella (sởi Đức), giang mai, herpes, toxoplasmosis (bệnh mèo cào), tiền sử gia đình có người mất thính lực.

- Các bà mẹ có tiếp xúc hay sử dụng các thuốc, ví dụ các kháng sinh mạnh điều trị nhiễm khuẩn thuộc nhoma aminoglycosides (gentamycin, kanamycin), hóa liệu pháp chống ung thư, hoặc hóa chất độc hại có thể gây ảnh hưởng đến thính lực.

- Trẻ đẻ non hoặc sinh nhẹ cân, có các dấu hiệu của suy hô hấp sau đẻ, và phải thông khí hỗ trợ kéo dài.

- Trẻ bị vàng da do tăng bilirubin, viêm màng não, trẻ có chỉ số Apgar sau đẻ thấp bất thường cấu trúc ở đầu, mặt, cấu trúc bất thường của tai ngoài và tai giữa.

Tuy nhiên, ngay cả những trẻ không có các yếu tố nguy cơ này, vẫn có khả năng mất thính lực, vì thế chương trình sàng lọc cần áp dụng cho mọi trẻ sơ sinh trước khi ra viện về nhà, TS Nguyễn Công Nghĩa cho biết.

Thu Hà