Thai chết lưu do mẹ bị tiểu đường

Mang thai tháng thứ 8 thì chị Nguyễn Thúy Vân, 41 tuổi, ở Lâm Thao, Phú Thọ, phải vào viện điều trị vì đường huyết quá cao. Đến ngày thứ 7, chị hốt hoảng vì không thấy con đạp trong bụng nữa, hóa ra thai đã bị chết lưu.

Phụ nữ bị đái tháo đường mang thai cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết. Ảnh: Diabetesmine.

Đầu tháng 2/2010, chị Vân đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám khi thai đang ở tuần thứ 33. Nhận thấy đường huyết của chị quá cao, các bác sĩ đề nghị chị sang bệnh viện chuyên điều trị tiểu đường để điều chỉnh đường huyết. Nhưng không ngờ sau 7 ngày điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chị thấy em bé đạp rất yếu trong bụng mẹ. Đến khi siêu âm thì đã quá muộn, thai chết.

Bác sĩ Vũ Thị Hiền Trinh, Khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người trực tiếp điều trị cho chị Vân cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đường huyết rất cao, tim thai bình thường, hai chân bị phù. Sau khi làm đầy đủ xét nghiệm, các bác sĩ loại nguy cơ tiền sản giật, mà tập trung kiểm soát đường huyết.

"Tuy nhiên, dù đã dùng insulin theo phác đồ, thậm chí là liên tục tăng liều nhưng tình trạng đường huyết cao của bệnh nhân không mấy cải thiện. Đến ngày thứ 7, siêu âm thì đã không nghe thấy tim thai nữa, thai nhi bị chết lưu", bác sĩ Trinh cho biết.

Cũng theo bác sĩ, bệnh nhân Vân bị đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) cách đây hơn một năm nhưng chỉ điều trị ngắn ngày mà không theo dõi thường xuyên. Đến khi mang thai tháng thứ 8 mới đi khám thì đường huyết đã lên rất cao. Điều này rất nguy hiểm cho cả thai nhi và sản phụ.

Tiến sĩ Hoàng Kim Ước, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, trong trường hợp này bệnh nhân đi khám vẫn nghe thấy tim thai nhưng thực chất trong bụng mẹ bào thai đang suy dinh dưỡng dần. Đây chính là nguyên nhân khiến máu lắng ở bệnh nhân cao, nhưng các bác sĩ không phát hiện chỗ nào bị viêm nhiễm. Điều này khiến cho việc điều trị bằng insulin không có hiệu quả.

Ngoài ra, trong trường hợp này nếu mổ lấy thai sớm thì có thể trẻ sống được nhưng khả năng bị dị tật cũng rất cao.

"Bệnh nhân bị tiểu đường trước khi mang thai, đường huyết cao xuất hiện ngay từ khi thụ thai chứ không phải mang thai mới bị tiểu đường (dạng tiểu đường thai kỳ - thường xảy ra ở tuần 24 đến 28)", Tiến sĩ Ước cho biết.

Cũng theo ông, ngoài việc khiến thai chết chết lưu ở 3 tháng cuối, tình trạng đường huyết cao còn khiến người mẹ dễ bị sảy thai sớm, sinh non, con quá to, sinh ra con dị tật. Ngay cả trong các trường hợp tiểu đường xuất hiện muộn trong thai kỳ, nguy cơ của thai nhi như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp... cũng cao hơn nhiều lần so với bình thường.

Những trường hợp phụ nữ bị tiểu đường trước khi mang thai ít hơn những chị em bị tiểu đường thai kỳ. Lý do là bản thân những người bị tiểu đường khả năng thụ thai không cao.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ trẻ bị tiểu đường hoàn toàn có thể sinh con nhưng phải hỏi ý kiến bác sĩ, đường máu cần được điều trị ổn định trước, trong và sau khi mang thai. Thử máu nhiều lần, khám bệnh thường xuyên với cả bác sĩ chuyên khoa về đái tháo đường và bác sĩ sản khoa để quá trình mang thai được an toàn.