Ngày 15/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân có buổi làm việc tại Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng đã nghe báo cáo về những thành tựu đạt được trong năm 2010 và chỉ đạo triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2011 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mạng lưới y tế rộng khắp
Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, TS Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong những năm gần đây tình trạng sức khỏe của người Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 73 tuổi, cao hơn rất nhiều so với những nước có trình độ phát triển kinh tế tương đương. Việt Nam cũng đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với việc giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và trẻ dưới 1 tuổi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, năm 2010, ngành Y tế tiếp tục đạt và vượt mức toàn bộ 4 chỉ tiêu của Quốc hội và 15 chỉ tiêu của Chính phủ giao, đưa Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Mạng lưới y tế Việt Nam đã phát triển rộng khắp từ Trung ương đến thôn, bản với hơn 100% xã và 90% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 80%.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tại buổi làm việc với Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Trần |
Đề án 1816 thực hiện luân chuyển cán bộ đã góp phần giảm 30% bệnh nhân chuyển tuyến. Nguồn nhân lực y tế đã tăng cả về số lượng, chất lượng đặc biệt là số bác sĩ, dược sĩ đại học, điều dưỡng và y học dự phòng... Cơ cấu tổ chức, bộ máy hệ thống y tế từng bước được hoàn thiện và ổn định từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, công tác DS- KHHGĐ năm qua đã duy trì được mức sinh thay thế, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được củng cố và phát triển, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện...
Tuy nhiên, năm 2011 ngành y tế tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức, như mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, chi phí y tế tăng nhanh; cơ chế hoạt động ngành y tế vẫn còn mang tính bao cấp; vấn đề công bằng trong khám chữa bệnh... chưa thích ứng và đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tăng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã báo cáo tóm tắt một số nội dung cơ bản mà ngành y tế đã tích cực chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai có kết quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhân dịp này, ngành y tế kiến nghị Chính phủ một số vấn đề như: Tăng chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế, dành 30% cho y tế dự phòng; phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu; Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành cùng ngành y tế thay đổi mô hình tổ chức quản lý bảo hiểm y tế, tập trung đầu mối quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, bao gồm cả quỹ bảo hiểm y tế; thành lập Hội đồng quản lý bảo hiểm y tế; tăng tuổi làm việc của cán bộ nữ lên 60 tuổi và nam lên 65 tuổi để tận dụng đội ngũ cán bộ y tế giàu kinh nghiệm.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành y tế tập trung thảo luận và làm rõ một số nội dung như: Xây dựng và thông qua các văn bản pháp luật do Văn phòng Chính phủ ban hành; vấn đề triển khai Luật bảo hiểm y tế, những vướng mắc cần được tháo gỡ cũng như lộ trình và kế hoạch thiết thực để đến năm 2015 trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế; bổ sung nhân sự cho các ngành phong, lao tâm thần và các bệnh truyền nhiễm; vấn đề sử dụng ngân sách mà Chính phủ đầu tư y tế tuyến huyện; xây dựng và hoàn thiện các bộ chỉ số đánh giá độ hài lòng của người dân tại các bệnh viện; an toàn vệ sinh thực phẩm; vấn đề phát triển ngành dược và đầu thầy thuốc...
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm 2011, ngành y tế cần tập trung phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên tất cả các tuyến với các giải pháp tích cực như triển khai Đề án 1816, đổi mới cơ chế quản lý tài chính bệnh viện; phát triển y học cổ truyền và từng bước xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Ngành y tế ưu tiên phát triển, nâng cấp y tế dự phòng với việc phát triển hệ thống cánh bảo sớm dịch bệnh; tiêm phòng và phòng chống các bệnh không lây truyền như ung thư, tim mạch, tiểu đường, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực y tế; đổi mới cơ chế hoạt động tài chính; đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác DS- KHHGĐ và phát triển ngành dược.
Bốn kiến nghị lớn của Tổng cục DS-KHHGĐ Cùng tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân với Bộ Y tế ngày 15/2, Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng đã nêu ra bốn kiến nghị lớn nhằm tăng tính hiệu quả của công tác DS-KHHGĐ hơn nữa trong thời gian tới.
1. Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Chiến lược Dân số-Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Nghị định sửa đổi khoản 6, điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐCP của Chính phủ. 2. Đề nghị Chính phủ ủng hộ Chương trình Mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015. 3. Về tổ chức bộ máy, kiến nghị tiếp tục kiện toàn theo hướng Tổng cục DS-KHHGĐ tách vụ. Tách Vụ Dân số thành hai vụ: Vụ Quy mô Dân số và Vụ Chất lượng Dân số; thành lập Trung tâm Dịch vụ Dân số. Ở tuyến tỉnh, thành Cục DS-KHHGĐ; tuyến huyện thành lập Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện; tuyến xã tuyển cán bộ chuyên trách dân số xã thành viên chức thuộc biên chế của Chi cục DS-KHHGĐ tuyến huyện. 4. Năm 2011, Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm công tác DS-KHHGĐ kiến nghị Chính phủ ủng hộ việc Việt Nam nhận giải thưởng Dân số của Liên Hiệp Quốc và các hình thức khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ. Trước bốn kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hoàn toàn ủng hộ. Riêng kiến nghị thứ ba, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Nội vụ để đề xuất. Và nếu việc tổ chức lại bộ máy này không làm tăng thêm biên chế, chỉ thay đổi cơ chế pháp lý để công việc được thực hiện tốt hơn thì sẽ xem xét thực hiện theo đề xuất. V.K |
Vân Khánh
Khoảnh khắc cất tiếng khóc chào đời của em bé đầu tiên năm 2025 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.