Bắt đầu từ 1/1/2011, Luật Khám chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực.
Để chuẩn bị cho việc thực thi Luật, Bộ Y tế đã có Công văn số 8872/BYT-KCB đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật KCB đến người hành nghề KCB và các đối tượng liên quan ở địa phương.
Nghiêm cấm từ chối cấp cứu người bệnh
Một nội dung quan trọng của Luật là điều chỉnh một cách thống nhất toàn bộ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong khu vực KCB của Nhà nước và khu vực KCB của tư nhân, tạo sự công bằng, bình đẳng giữa hai khu vực này như: Quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh...
Bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại BV Bạch Mai. (Ảnh: V.K) |
Từ đó, đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa những người hành nghề và giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân nhằm đáp ứng các yêu cầu của công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Luật quy định hành vi bị cấm trong lĩnh vực KCB: Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh; nghiêm cấm khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động (trừ trường hợp cấp cứu); nghiêm cấm thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; cấm người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức (trừ bác sĩ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền); cấm áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành; sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh; cấm quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; cấm lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh; cấm gây tổn hại sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm của người hành nghề.
Không cấm bác sĩ công mở phòng mạch tư
Luật cũng quy định quyền của người bệnh được KCB có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế; quyền được tôn trọng bí mật riêng tư; quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh; quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh; quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Những người hành nghề y tư nhân (kể cả cán bộ, công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ) đã có giấy phép và đang hành nghề được tiếp tục hành nghề. Đối với cá nhân, tổ chức đã gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân nhưng chưa được cấp trước ngày 1/1/2011, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định của Luật KCB và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Với những cơ sở KCB lần đầu xin cấp giấy phép hoạt động KCB tư nhân, người lần đầu xin cấp chứng chỉ hành nghề KCB tư nhân, từ ngày 1/1/2011, sẽ chờ đến khi Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KCB và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực.
Theo TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Luật KCB có hiệu lực từ năm 2011 quy định cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ sở KCB Nhà nước được hành nghề KCB ngoài giờ và không cấm bác sĩ mở phòng mạch tư, trừ những trường hợp vi phạm quy định của luật. Trước đây, Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân quy định các cá nhân, tổ chức chỉ được hành nghề KCB tư nhân đến ngày 31/12/2010.
Vân Khánh