Dù vẫn đang mùa Xuân nhưng trong những ngày gần đây ở một số địa phương đã xuất hiện bệnh nhân viêm kết mạc cấp (bệnh đau mắt đỏ).
Mỗi ngày, BV Mắt TƯ đã tiếp nhận hàng trăm ca bệnh. Ở các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ.
Dịch xuất hiện ở nhiều địa phương
Đến BV Mắt TƯ trong tình trạng mắt đỏ cộm, chảy nước mắt, anh Tạ Văn Quyền (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, mình có biểu hiện cộm, nhức mắt cách đây gần 10 ngày. Anh Quyền tự mua thuốc về nhà nhỏ hơn một tuần nhưng không thấy đỡ. Mấy ngày gần đây mắt anh liên tục bị nhức, chảy nước mắt, có nhiều ghèn dử khi ngủ dậy.
Số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ tăng tại BV Mắt TƯ. Ảnh: T. Kiên |
Cũng đang chờ đến lượt khám, bác Nguyễn Thị Cát (xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP Hải Phòng) cũng thấy cộm và nhức ở mắt nên đi khám. BS Hoàng Cương, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học và đào tạo, BV Mắt TƯ cho biết: "Khoảng một tuần trở lại đây, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận một số ca đau mắt đỏ vào điều trị. Trung bình mỗi phòng khám của BV khám cho khoảng 60-70 bệnh nhân, trong đó có khoảng 10 ca đau mắt đỏ, chủ yếu là bệnh nhân ở Hà Nội”.
Theo BS Cương, mọi năm dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội thường đến tháng 4 mới xuất hiện nhưng năm nay, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện rất sớm, xu hướng gia tăng, có thể dịch sẽ bùng dịch.
Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, ở mấy tỉnh lân cận của Hà Nội như: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cũng đã xuất hiện những bệnh nhân bị đau mắt đỏ. BS Trần Lan Hương, Khoa Mắt, BVĐK Hà Nam cho biết, từ sau Tết đến nay mỗi ngày Khoa khám cho khoảng 30 bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ. Tại BV Mắt tỉnh Hà Nam, những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 số bệnh nhân đến khám tăng rõ rệt.
BV Mắt Nam Định cũng đã ghi nhận nhiều bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Th.S, BS Trần Huy Đoàn, Phó Giám đốc BV cho biết, trung bình mỗi ngày BV phát hiện 10 ca bệnh/60 lượt người đến khám. BS Đoàn cho biết, so với mọi năm thì năm nay bệnh xuất hiện rất sớm, đang có xu hướng gia tăng.
Bệnh thường khởi phát một bên
"Tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị, đặc biệt là những loại thuốc có chứa Corticoit như Clorocid H1%, Dexaclor... nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Không được sử dụng những biện pháp điều trị dân gian như đắp hay xông lá trầu không lên mắt để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra".
BS Hoàng Cương tư vấn |
Theo BS Đoàn, bệnh viêm kết mạc cấp (dân gian thường gọi là bệnh đau mắt đỏ) là một bệnh dễ lây trong cộng đồng nên thường phát triển thành dịch, phổ biến trong mùa hè và mùa mưa. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn (như tụ cầu, phế cầu, liên cầu, Moraxella, tạp khuẩn...), virus (đặc biệt là virus Adeno virus) và ký sinh trùng gây nên. Bệnh đau mắt đỏ năm nay xuất hiện sớm là do thời tiết những ngày gần đây thay đổi rất rõ rệt, virus gây bệnh phát triển mạnh, các tác nhân gây bệnh trong môi trường nhiều như bụi, phấn hoa... khiến bệnh gia tăng. Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ khoảng 2-3 ngày, bệnh nhân thường có cảm giác cộm rát như có cát trong mắt, kèm theo là hiện tượng chảy nước mắt, sợ ánh sáng, nhìn khó nhưng không mờ mắt. Khi nhìn vào bệnh nhân thấy mắt đỏ do cương tụ kết mạc, có thể xuất huyết dưới kết mạc hoặc có dịch chỉ màu hồng; nhiều ghèn dử làm người bệnh khó mở mắt, nhất vào buổi sáng khi thức dậy. Trong những trường hợp đến khám cũng đã xuất hiện những trường hợp bị tổn thương giá c mạc. Bệnh thường khởi phát một bên, một vài ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại. Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, sốt nhẹ, sờ thấy hạch góc hàm, hạch cổ...
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây từ người này sang người khác do tiếp xúc hoặc sử dụng chung khăn, chậu rửa mặt. Tiếp xúc với bệnh nhân khi nói chuyện sẽ làm phát tán mầm bệnh do bệnh cũng có thể lây truyền qua đường nước bọt.
Theo các bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ thường khỏi sau 7-10 ngày điều trị, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể xảy ra biến chứng như viêm loét giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực người bệnh do sử dụng thuốc không đúng cách hoặc do tác dụng phụ của thuốc khiến người bệnh bị mù lòa vĩnh viễn. Trung Kiên