Không ít trường hợp bác sĩ kê thuốc nội, bệnh nhân lại cứ nằng nặc đòi dùng thuốc ngoại, trong khi thuốc của Việt Nam rẻ hơn cả chục lần và được WHO công nhận đạt chuẩn quốc tế…
Chuộng ngoại do tâm lý
Thuốc nội ngày càng được nhiều người dân tin dùng. |
Trong vai người đi mua thuốc, chúng tôi tới một hiệu thuốc trên đường Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội). Tại đây, chúng tôi gặp chị Phạm Thị Nguyệt, có con 3 tuổi đang bị viêm hô hấp. Cầm đơn thuốc trên tay, chị Nguyệt yêu cầu nhân viên bán đúng loại thuốc mà bác sĩ đã kê (Augmentin 500 và Enterogemina) cho 5 ngày uống. Khi nhân viên bán thuốc đưa ra giá tiền Augmentin (thuốc kháng sinh) gần 20.000 đồng/gói và Enterogemina (men vi sinh) khoảng 7.000 đồng/ống, tổng cộng hết gần 300.000đồng thì chị Nguyệt cũng ngần ngừ. Thấy vậy, nhân viên bán hàng tư vấn chị chuyển sang thuốc nội với hoạt chất tương đương, nhưng giá thành chỉ bằng 1/3 thì chị Nguyệt lắc đầu, quyết mua thuốc ngoại. “Mua thuốc ngoại cho nó yên tâm, không phải bỗng dưng mà nó… đắt”, chị Nguyệt nói. Theo nhân viên bán hàng ở đây, lượng thuốc nội bán ra mỗi ngày chỉ chiếm khoảng 30 – 40% tổng số thuốc, chủ yếu là thuốc trị các bệnh thông thường. Còn thuốc đặc trị thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Trần Đức Long – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 9-14/5 tại Hà Nội sẽ tổ chức Triển lãm về chuyên ngành y dược Việt Nam lần thứ 19. Đây là dịp để quảng bá sản phẩm y dược Việt Nam và những thành tựu tiến bộ của y tế Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt là sẽ công bố, trưng bày những sản phẩm thuốc y dược mà Việt Nam đã sản xuất được để người dân có thông tin và lựa chọn sản phẩm thuốc nội nhằm giảm chi phí chữa bệnh cũng như góp phần phát triển ngành y dược trong nước. |
Không chỉ ở các hiệu thuốc, tại các bệnh viện, nhiều bác sĩ cho biết có khi họ kê thuốc nội cho bệnh nhân, bởi thuốc nội hoàn toàn có thể trị khỏi bệnh, vậy nhưng bệnh nhân hoặc người nhà của họ cứ nằng nặc đòi dùng thuốc ngoại. Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Khánh (Mỹ Đình, Hà Nội) là một ví dụ. Anh Khánh bị đau mắt nên vào Bệnh viện Mắt Trung ương. Sau khi thăm khám, bác sĩ kê cho anh một loại thuốc nhỏ mắt của nội, vừa nhìn vào đơn thuốc, anh Khánh đã gãi đầu, gãi tai đề nghị bác sĩ kê cho loại thuốc ngoại nào “đắt đắt tiền một tý”. Vậy là lẽ ra chỉ cần khoảng 10 nghìn đồng cho một lọ thuốc, anh Khánh đã sẵn lòng chi gấp 5 lần mà kết quả thì không có gì khác nhau. Anh Khánh cho biết, mình làm vậy vì thấy không yên tâm khi dùng thuốc made in Việt Nam…
Cũng như trường hợp của anh Khánh, con chị Hoàng Thị Minh (Hưng Yên) bị sốt xuất huyết, tiêu chảy được bác sĩ kê đơn thuốc theo BHYT. Tuy nhiên sau khi biết thuốc cấp theo BHYT là thuốc nội, chị Minh nằng nặc xin kê toa thuốc ngoại cho con uống. Chị nói: "Có đắt cũng cắn răng chịu, miễn là con mau khoẻ". Rất nhiều cha mẹ có con bị sốt xuất huyết cũng "đòi" bác sỹ xin đổi toa thuốc để con được dùng thuốc ngoại, cho mau chóng… khỏi bệnh.
BS. Cấn Phú Nhuận – Trưởng phòng khám bệnh - BV Nhi Trung ương cho biết: “Dùng thuốc ngoại một phần vì người dân sính ngoại. Ngay đến quần áo, đồ dùng ăn uống hằng ngày người ta còn sính ngoại, nói gì tới thuốc. Nhiều khi đơn giản là vì thấy người khác dùng thì mình cũng dùng, chứ không phải là do mình hiểu thuốc đó, đồ đó thực sự là tốt. Thuốc nội có nhiều loại chất lượng tốt mà lại rẻ hơn rất nhiều so với thuốc ngoại”.
Giá thành cực rẻ
Theo số liệu của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), năm 2010 tổng giá trị ngành dược Việt Nam đạt 919,2 triệu USD, tăng 20% so với năm 2009. Chi phí khám chữa bệnh của người dân cũng tăng lên 22,5USD/người, tăng hơn 3USD. Các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã, tỉ lệ sử dụng thuốc nội lên đến 70 – 80%, nhưng ở Trung ương tỉ lệ này chiếm chưa đến 30%. Đặc biệt tại các bệnh viện mắt, ung bướu, tim… chỉ 5% thuốc nội được sử dụng. |
Theo dược sĩ Nguyễn Thị Lan - chủ một quầy thuốc ở Mỹ Đình, Hà Nội, gần đây cũng có những người dân sử dụng thuốc nội thay cho thuốc ngoại, vì hiệu quả gần ngang nhau mà giá thành lại rẻ hơn từ 5 - 20%: “Khi nhập hàng thì chúng tôi cũng nhập nửa nọ nửa kia, vì nhu cầu, điều kiện của mỗi khách hàng khác nhau. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, thuốc nội chủ yếu là các loại thực phẩm chức năng, hoặc trị các bệnh thông thường như cảm cúm, ho, sổ mũi... Rất mừng là gần đây thuốc nội đang phong phú hơn trước nên cũng thu hút được sự chú ý của khách hàng, họ có nhiều sự lựa chọn hơn…”.
Theo khảo sát, giá thành của hầu hết các loại thuốc sản xuất tại Việt Nam chỉ bằng một nửa hoặc thấp hơn nhiều lần so với các loại thuốc tương đương của ngoại. Ví dụ một viên thuốc trị cảm cúm nhập ngoại có giá dao động từ 500 - 700 đồng/viên, trong khi thuốc nội chưa đến 300 đồng/viên. Kháng sinh có cùng hoạt chất Cefuroxim Axetil, thuốc ngoại như: Zinnat giá 26.500 đồng/viên, trong khi thuốc nội như Cadiroxim, Hazinat giá chỉ 12.000 đồng/viên; Amoxicillin nội giá 7000 đồng/vỉ nhưng của Anh có giá đến 20.500đồng/viên; Cefixim có giá 3000đồng/ viên trong khi viên Canoximl (Mỹ) giá gấp tới 4 lần...
Với những loại thuốc phải dùng thường xuyên, suốt đời thì việc sử dụng thuốc nội sẽ giúp người bệnh tiết kiệm một khoản chi phí lớn. Ví dụ như Nifedipin (nhóm thuốc huyết áp, tim mạch) có giá 5.000 đồng/vỉ/10 viên, rẻ hơn nhiều lần thuốc Adalat (Đức) cùng hoạt chất, có giá 3.000 đồng/viên.
Một bác sĩ tại Bệnh viện Tràng An chia sẻ: “Thuốc Việt Nam có nhiều loại không thua gì thuốc ngoại mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều. Ví dụ như thuốc điều trị ung thư gan, viêm gan B, nếu mua thuốc ngoại thì đắt gấp 3-4 lần so với thuốc nội, do việt Nam có nguồn thảo dược dồi dào. Khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân tôi thường kê đơn, khuyên họ nên dùng thuốc nội để giảm chi phí…”.
Theo các chuyên gia về dược phẩm, phần lớn thuốc Việt đều có chất lượng tốt, giá rẻ. Sử dụng thuốc Việt trong điều trị, chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí mà hiệu quả vẫn tương đương. Hơn nữa, các nguyên liệu để sản xuất thuốc nội hiện nay hầu hết đều được nhập từ nước ngoài, do đó chất lượng không thua kém thuốc ngoại, giá cả lại thấp hơn rất nhiều do chi phí sản xuất thấp.
Năm 2009 Việt Nam đã sản xuất được 234/314 hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu, đủ nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2010, giá trị sản xuất thuốc trong nước đạt hơn 919 triệu USD, đáp ứng hơn 48% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước. Nhiều doanh nghiệp dược đã ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, sản xuất theo nhiều dạng bào chế mới như thuốc tiêm bột, thuốc khí dung, thuốc vi nang... Quy trình sản xuất thuốc hiện nay đều đạt các tiêu chuẩn: GMP - “Thực hành tốt sản xuất thuốc”, GLP - “Thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc”, GSP - “Thực hành tốt tồn trữ thuốc”. Các tiêu chuẩn này đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.
H.Nam - P.Thuận