Tỉ lệ bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm đã tăng 10-20% trong 5 năm qua tại viện K. Cùng với đó, tỉ lệ chữa khỏi tăng lên. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn còn ngại đi khám vì sợ ra bệnh, tốn kém.
“Tôi là người may mắn!”
Dù sức khỏe không được tốt nhưng các nữ bệnh nhân bệnh viện K đã ủng hộ hết mình cho lễ phát động Phòng chống ung thư ở phụ nữ (giải ruy-băng hồng trên áo biểu hiện thông điệp của chương trình)
Đó là chia sẻ của cô P.M.V (Hà Nội), bệnh nhân đang điều trị ung thư cổ tử cung tại bệnh viện K (Hà Nội), bên lề Lễ phát động Chương trình tuyên truyền phòng chống ung thư ở phụ nữ nhân ngày 20/10 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) vừa diễn ra sáng qua (16/10).
Cô V. cho biết: “Đang ở tuổi tiền mãn kinh, kinh nguyệt không đều là chuyện bình thường. Nhưng khi thấy máu ra nhiều, tôi đã vội đến viện kiểm tra ngay. Sinh thiết cho thấy có tế bào lạ và các bác sĩ cho biết tôi mới bị ở giai đoạn đầu”.
Cô V. tự nhận mình là may mắn hơn nhiều bệnh nhân cùng phòng bởi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Sau 1 tháng điều trị, hiện sức khỏe của cô đã cải thiện rõ rệt. Cô tỏ ra lạc quan và tin rằng bằng chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả; chăm vận động… cô sẽ sống vui, sống khỏe nhiều năm nữa sau lần điều trị này.
“Buổi lễ hôm nay có ý nghĩa rất lớn, giúp mọi người, đặc biệt là phụ nữ hiểu được nếu như đến khám, phát hiện sớm, điều trị đúng hướng và có một lối sống hợp lý thì có thể khỏi bệnh hoàn toàn”, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết tại Lễ phát động Phòng chống ung thư ở phụ nữ. |
Nhưng cô cũng trùng xuống khi kể về những bệnh nhân cùng phòng. Có những người chịu đựng những biểu hiện bất thường ra máu, đau rát, khó chịu… đến 8 năm liền vì sợ đi khám sẽ ra bệnh, sẽ phải điều trị tốn kém. Để rồi khi sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, tới viện khám hôm trước thì hôm sau người thân phải đưa về luôn vì bác sĩ bảo: “Sức này chẳng chịu được đâu, bệnh đã ở giai đoạn cuối”.
Đặc biệt là có những phụ nữ rất trẻ, mới ngoài 30 đã bị ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư buồng trứng giai đoạn nặng mà không biết. Đa phần đều mải mê với công việc, ít chú ý giữ gìn, quan tâm sức khỏe… nhưng lại luôn khất lần với việc khám chữa bệnh. Đến khi vào viện, phải nằm điều trị dài ngày mới hối tiếc “Giá như mình khám sớm”.
Tham dự chương trình tuyên truyền, cô V. bày tỏ đây là 1 chương trình rất thiết thực bởi khi đã bị bệnh mới hiểu rằng mạng sống là vốn quý và việc phát hiện sớm và khám sớm cùng lối sống phù hợp là cách duy nhất để chống chọi với ung thư.
Khám ở đâu?
Gặp cô T.T.N (Hưng Yên), bệnh nhân ung thư vú đang hóa trị sau đợt phẫu thuật cắt vú phải cách đây hơn 1 năm, cũng tại sân cung văn hóa Hữu Nghị Việt Xô sau buổi lễ, cô bày tỏ băn khoăn: Cô đã phát hiện khối u từ rất sớm, từ khi nó còn rất nhỏ. Tuy nhiên, dù nhiều lần đi khám ở cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, các bác sĩ đều khẳng định là u lành và cho về.
Đến khi thấy khối u ở ngực trái ngày càng tăng về kích thước, dù đầu ngực không đau, không chảy dịch… cô N. quyết định lên bệnh viện K để khám. Kết quả sinh thiết cho thấy cô bị ung thư vú giai đoạn 2. Do đó, theo cô N., ngoài việc quan tâm tới sức khỏe bản thân thì việc chọn nơi khám cũng rất quan trọng.
Trao đổi với một chuyên gia về ung thư giấu tên về kinh nghiệm khám bệnh của bệnh nhân, bác sĩ này khẳng định ở tuyến y tế cấp tỉnh trở lên, gần như bệnh viện nào cũng có khoa ung bướu. Vì vậy, khi nghi ngờ mình bị ung thư, cần tới các cơ sở chuyên khoa này thăm khám, khi đó mới nhận được những tư vấn tốt nhất. Điều này có nghĩa rằng khi có biểu hiện nghi ngờ, thay vì lên kiểm tra ở tuyến trung ương tốn kém, mệt mỏi, mất nhiều thời gian, người bệnh có thể tới các khoa ung bướu tại các bệnh viện chuyên ngành thích hợp. Ví như với các bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, lựa chọn thích hợp là các bệnh viện phụ sản; ung thư phổi thì nên đến bệnh viện Phổi TƯ…. Có như thế, mới giảm tải được cho những bệnh viện đầu ngành như bệnh viện K và những bệnh viện này mới có thể thực hiện đúng chức năng của mình là tập trung cứu chữa, điều trị cho những trường hợp thực sự khó.
Thu Phương
Trong 9 tháng thai kì, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu rất quan trọng quyết định an toàn sức khỏe của mẹ và em bé. Mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn; dùng nhiều trái cây, các loại hạt; uống sữa…